Lý Thuyết Dow

Lý thuyết DOW được coi là nền móng cho sự phát triển của phân tích kỹ thuật cận và hiện đại. Chỉ số DOW – Nguyên mẫu đầu tiên của những gì được coi là công cụ hàng đầu trong việc đánh giá hoạt động hàng ngày của thị trường chứng khoán vẫn luôn là công cụ thiết yếu đối với nhà phân tích kỹ thuật thị trường.

Lý thuyết DOW là một hệ thống lý thuyết được các nhà phân tích kỹ thuật sau khi Charles Dow qua đời tổng hợp lại qua các bài đăng của ông trên tạp chí The Wall Street Journal vào những năm cuối thế kỷ 19, bản thân Charles Dow chưa bao giờ viết một cuốn sách nào về lý thuyết của mình. Các lý thuyết của ông lúc đó được ông dùng để áp dụng cho thị trường Mỹ và sau này nó được áp dụng cho tất cả các thị trường. Bài viết này, mình sẽ mô tả 6 nguyên tắc cơ bản của lý thuyết DOW để qua đó người mới tiếp cận phân tích kỹ thuật có cái nhìn dễ hiểu nhất.

1. Chỉ số bình quân phản ánh mọi thứ

Nguyên tắc này có tính tương đồng với một trong 3 giả định căn bản của phân tích kỹ thuật là “Thị trường phản ánh tất cả những yếu tố có ảnh hưởng đến cung cầu”. Tức là mọi thứ từ chủ quan cho đến khách quan, từ ngoại vi cho đến nội vi của nền kinh tế đều được phản ánh thông qua các biến động giá trên thị trường. Hay nói cách khác giá cả biến động là ngôn ngữ của 1 nền kinh tế bất kỳ. Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế thì chỉ số đại diện cho phong vũ biểu đó chính là chỉ số bình quân của thị trường. Các bạn cũng cần lưu ý rằng thị trường phản ánh tất cả tức là nó nói lên cái đang là đối với nền kinh tế chứ nó không nói lên tương lai của nền kinh tế.

2. Thị trường có 3 xu hướng chính

Dow định nghĩa rằng: ” Một xu hướng tăng là tình huống mà trong đó thị trường sẽ có xu hướng tăng khi mức giá đỉnh cao nhất hiện tại cao hơn các mức giá đỉnh trước đây và mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại cũng cao hơn mức giá thấp nhất trong quá khứ, nói cách khác thì xu hướng tăng là xu hướng có đỉnh và đáy tăng dần theo thời gian. Ngược lại đối với xu hướng giảm “. Dow tin rằng các quy luật về sự tác động và phản ứng được áp dụng cho các thị trường cũng như đối với vật chất.

Ông cho rằng 1 xu hướng phải có 3 cấp (Sau này người ta hay gọi là sóng):

_ Xu hướng chính – Dài(Primary): Kéo dài từ một đến vài năm, được xác định bằng cách đánh dấu các điểm cao nhất của đợt sóng kế tiếp.

_ Xu hướng trung gian (Secondary): Là sự điều chỉnh của xu hướng chính, thường kéo dài từ 3 tuần đến 3 tháng. Sự điều chỉnh có thể kéo dài từ 1/3 đến 2/3 xu hướng trước đó

_ Xu hướng ngắn hạn (Minor): Là sự giao động của xu hướng trung gian, thông thường ngắn hơn 3 tuần.

3. Xu hướng chính gồm 3 giai đoạn

Dow tập trung vào xu hướng chính của thị trường, ông cho rằng xu hướng chính của thị trường gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn tích lũy, giai đoạn tăng trưởng và giai đoạn phân phối.

Giai đoạn tích lũy: Giai đoạn này diễn ra trong 2 tình huống: Một là tích lũy sau trend giảm của thị trường, đặc điểm của tích lũy vùng này là biến động của thị trường yếu, nhà đầu tư cá nhân sau khi chán nản về đà giảm của thị trường thì đã bán ra phần lớn cổ phiếu họ đang nắm giữ ở vùng đáy trong khi có một bộ phận nhà đầu tư tham gia mua vào do thấy thị trường đã điều chỉnh về trạng thái hấp dẫn. Hai là, tích lũy sau 1 nhịp tăng, ở giai đoạn này đại bộ phận nhà đầu tư  cá nhân thực hiện chốt lời chứ không phải cắt lỗ nhưng việc chốt  lời không làm cho  giá giảm mà mặt khác giá cổ phiếu biến động đi ngang trong 1 thời gian dài do có một bộ phận lực cầu đỡ giá vì họ cho rằng mức giá này là rẻ so với tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.

Ảnh minh họa 2 kiểu tích lũy khác nhau của thị trường

Giai đoạn tăng trưởng: Sau một thời gian tích lũy nhất đinh, lượng hàng trên thị trường sẽ ít dần trong khi cầu “gom” hàng có xu hướng ngày càng tăng, điều này dẫn đến áp lực tăng giá của thị trường. Thị trường rơi vào trạng thái tăng mạnh, những người nhỡ tàu, chưa kịp mua ở vùng giá tích lũy sẽ canh mua đuổi hoặc mua lại của những nhà đầu tư chốt sớm, khiến cho giá cả liên tục được đẩy lên cao  hơn.

Giai đoạn phân phối: Như một tất yếu, Dow cho rằng sau giai đoạn cao trào quá mức sẽ là giai đoạn phân phối. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư như bị thị trường thôi miên bởi mức tăng giá ấn tượng của thị trường trước đó, báo chí và truyền thông bắt đầu nói về sự tăng giá của thị trường và các tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Thời điểm này một bộ phận nhà đầu tư sẽ bán ra cổ phiếu họ đang nắm giữ để chốt lời

4. Các chỉ số trung bình phải củng cố lẫn nhau.

Ở thời kỳ đó ông cho rằng tín hiệu thị trường tăng hay giảm là không quan trọng, chỉ khi 2 chỉ số (Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghiệp vận tải) cùng tăng hoặc cùng giảm thì xu hướng thị trường mới chắc chắn. Tức là chúng phải củng cố lẫn nhau. Ông cho rằng khoảng thời gian giữa 2 tín hiệu càng ngắn thì tính chắc chắn càng cao. Xu hướng cũ sẽ tiếp tục được duy trì nếu 2 chỉ số chưa đồng pha. Tất nhiên, sau này khi xem xét lại thị trường, người ta nhận thấy sự hạn chế về nhận định này của ông. Thực tế thì trong dài hạn 2 chỉ số kia luôn đồng pha

Ở Việt Nam, điều này mang 1 ý nghĩa tương tự. Về dài hạn hầu hết các nghành có vốn hóa lớn trên thị trường đều theo 1 xu hướng nhưng trong ngắn hạn chúng có thể lệch pha nhau

5. Khối lượng giao dịch phải xác nhận xu hướng

Dow cho rằng khối lượng giao dịch đóng vai trò quan trọng thứ 2 sau giá khi phân tích thị trường. Khối lượng giao dịch sẽ gia tăng theo xu hướng phát triển của xu hướng chính.

Trong 1 xu hướng tăng, khối lượng giao dịch sẽ tăng lên khi giá tăng và giảm khi giá giảm

Trong 1 xu hướng giảm, khối lượng giao dịch sẽ tăng lên khi giá giảm và giảm khi giá phục hồi tăng

Ảnh minh họa

6. Một xu hướng được cho là sẽ tiếp diễn cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều

Bắt đầu từ 1 định luật trong vật lý :” Một vật đang chuyển động sẽ có xu hướng tiếp tục chuyển động theo hướng đó cho đến khi có sự tác động ngoại vi khiến vật đổi hướng”. Người phân tích kỹ thuật sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật khác nhau như hỗ trợ, kháng cự, kênh giá, chỉ báo …. nhằm xác định điểm đảo chiều của xu hướng. Đây là một công việc đầy khó khăn và thách thức đối với các nhà phân tích kỹ thuật từ xưa đến nay. Việc xác định điểm đảo chiều của thị trường xuyên có sự bất đồng giữa các nhà phân tích theo cùng 1 trường phái hay trong các trường phái khác nhau bởi thị trường phản ánh cái đang là trong khi các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng cái đang là để suy diễn cái sẽ là trong tương lai. Sự suy diễn là chủ quan và không đồng nhất.

Trên thực tế, nhiều trường phái phân tích kỹ thuật sau này có nhiều phủ nhận về tính thực tế của lý thuyết Dow trên thị trường, tuy nhiên không ai phủ nhận được tính nền tảng của nó trong các phương pháp phân tích khác nhau. Nó mang tính lý thuyết cao nên chỉ thực sự phát huy tác dụng trong điều kiện thị trường hoàn hảo trong khi bản chất về sự hoàn hảo của mọi vật trên thế giới này là không hoàn hảo nên nhà đầu tư khi tiếp cận lý thuyết Dow cần có góc nhìn đa chiều và phương pháp sử dụng linh hoạt để tránh rơi vào trạng thái tiêu cực khi áp dụng phân tích kỹ thuật trong việc đầu tư của mình.

Liên hệ với Đoàn Tú:

ZALO: 0946.998.885
Mail: doantu188@gmail.com

Comments

comments

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*